Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Mầm họa từ những TPCN gắn mác thương hiệu ngoại

Thực tế thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng (TPCN) được khoác trong tấm áo “sang chảnh”- nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Canada... khiến người tiêu dùng, đặc biệt là phái đẹp “sùng ái” một cách thái quá. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, những mặt hàng gắn mác nhập ngoại lại được sản xuất thủ công ngay trong nước từ những nguyên liệu siêu rẻ, siêu độc. Với thị trường TPCN phát triển chóng mặt như hiện nay, việc kiểm soát chất lượng cũng như đánh giá hiệu quả chẳng khác nào khó hơn “lên trời”.

 Mầm họa từ những TPCN gắn mác thương hiệu ngoại - 1


Nhiều loại TPCN được quảng cáo “thổi phồng” gây hậu quả khôn lường (ảnh minh họa).

Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, có nhiều sản phẩm TPCN được lưu hành trên thị trường nhưng chưa được đánh giá về chất lượng, độ an toàn và tính hiệu quả. Vị này cho rằng, các sản phẩm TPCN đang được sản xuất trong điều kiện không đạt vệ sinh, làm giả, làm nhái; không có quy trình sản xuất theo quy định của Bộ Y tế sẽ gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Dư luận từng phản ánh về việc một số loại TPCN được quảng cáo “tung trời” về khả năng “diệu kỳ”, từ làm đẹp cho đến chữa bệnh, trong đó có điều trị xương khớp, tiểu đường, tai biến, thần kinh, dạ dày và cả ung thư... Thế nhưng, tại Việt Nam chưa một cơ quan nào chứng minh được công dụng thực sự của những loại TPCN này. Bản thân lãnh đạo cục ATTP từng thừa nhận, các sản phẩm TPCN có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì phải cấp phép, còn việc quảng cáo “nổ” thì không kiểm soát được. Thực tế, hàng nghìn trang mạng rao bán TPCN với giá trên trời và quảng cáo TPCN như “thần dược”, nhưng việc xử lý vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến TPCN rởm “lọt lưới”.

Trao đổi với PV, TS. Lâm Quốc Hùng (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho rằng: “Chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong sản phẩm TPCN. Do đó khó lượng hoá được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm TPCN. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở xác định tính đúng đắn của thông tin trên nhãn sản phẩm như tác dụng, khuyến cáo, liều sử dụng, đối tượng sử dụng. Do đó nhà sản xuất có xu hướng cường điệu hóa tác dụng của sản phẩm; nhà quản lý thiếu cơ sở khoa học để xác định vấn đề quản lý”.

Theo TS. Hùng, điều nguy hiểm, nhiều sản phẩm TPCN được đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là “thần dược” có thể chữa được bách bệnh. Ngoài ra, còn có khá nhiều quảng cáo không theo quy định của Bộ Y tế về công dụng của sản phẩm TPCN như: Quảng cáo TPCN chữa được bệnh tiểu đường, chữa trị tận gốc bệnh gút hoặc bệnh ung thư... Những quảng cáo này không chính xác, bởi TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, làm giảm nguy cơ gây bệnh chứ không có tác dụng chữa bệnh.

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét