Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Có bệnh, đừng nấn ná qua Tết

Tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, chị Ng. T. M (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) mua cả một túi đủ các loại thuốc: trị sốt, nhức đầu, sổ mũi, đau bao tử, dầu gió, băng cá nhân… “Tôi vốn kỹ tính nên lúc nào đi sắm Tết cũng không quên sắm… thuốc” - chị giải thích. M. cho biết nhà chị có cả thảy 10 thành viên, trong đó gồm 7 nam giới nên sau hàng loạt buổi tiệc vào dịp Tết, thế nào cũng có người nhức đầu, đau bụng, chưa kể một cháu nhỏ hay bệnh vặt. “Vì vậy, tôi phải mua sẵn mớ thuốc để có gì còn cầm cự hết Tết. Đầu năm đầu tháng, ai lại đi “thăm” bệnh viện (BV) hay đi mua thuốc men, xui lắm!” - chị nói.

Giá như nhập viện sớm 2 ngày

Nhắc về kỷ niệm ngày Tết, ngoài các ca trực bận rộn hay những thời khắc giao thừa hân hoan tập trung ở khoa sản để đón em bé đầu tiên, bác sĩ (BS) Đỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Thành ủy TP HCM, nguyên Giám đốc BV Nhân dân Gia Định - nhớ mãi một kỷ niệm buồn.

 Có bệnh, đừng nấn ná qua Tết - 1

Một ca trực Tết tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định

“Lúc ấy, tôi còn làm ở BV Nhân dân Gia Định, có một nam bệnh nhân khá lớn tuổi nhập viện đúng sáng mùng 1 Tết. Ông ấy đã bị đau bụng từ chiều 28 tháng chạp nhưng cố đợi qua Tết. Đến hôm 29, dù  đau lắm nhưng ông vẫn cố chờ cúng giao thừa và họp mặt con cháu đầu năm xong xuôi. Nhưng cơn đau mà ông mắc phải là do thủng dạ dày chứ không phải đau thông thường như người nhà nghĩ. Lúc nhập viện cấp cứu, ông đã rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, huyết áp bằng 0, mạch không bắt được… Phẫu thuật thì BS thấy ông bị thủng dạ dày, thủng tạng rỗng, viêm phúc mạc ổ bụng nặng... Dù cố gắng, chúng tôi cũng không thể cứu bệnh nhân này. Giá như ông được đưa vào BV sớm hơn 2 ngày thì đã dễ dàng qua khỏi” - BS Giao kể.

Theo BS Giao, việc người bệnh và gia đình không đánh giá đúng tình trạng bệnh và cố chờ hết Tết là rất nguy hiểm. Ví dụ, cơn đau bụng có rất nhiều nguyên nhân, có thể do rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày thông thường nhưng cũng có thể là thủng dạ dày như trường hợp nêu trên hay đau ruột thừa.

Một tình huống nguy hiểm rất cần cảnh báo là nhiều người hay nhầm lẫn cơn đau ở vùng thượng vị (chấn thủy) với đau dạ dày. Đó thường là triệu chứng của bệnh mạch vành, cảnh báo về một cơn nhồi máu cơ tim, cần được cấp cứu. Còn đau vùng bụng mà ngay hốc xương chậu phải thì nhiều khả năng là đau ruột thừa, cần vào BV ngay vì để quá 24 giờ thì ruột thừa có nguy cơ vỡ, quá 48 giờ sẽ vỡ dẫn đến viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu ý triệu chứng đi kèm

Mùa Tết với thực đơn nhiều đạm, bia rượu cũng có thể gây nên một số vấn đề về sức khỏe. Nguy hiểm nhất vẫn là những tình huống bị tăng huyết áp vì dễ bị lầm với nhức đầu thông thường.

“Nguy hiểm nhất là sau khi bệnh nhân có uống rượu bia, cảm thấy nhức đầu và lầm tưởng là do chóng mặt nên uống thuốc giảm đau thông thường rồi nằm nghỉ, trong khi thực chất họ đang bị tăng huyết áp. Thực ra, bia rượu và những bữa tiệc ê hề, giàu đạm cũng tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp nên nếu có tiền sử bệnh thì phải coi chừng. Nếu nhức đầu kèm theo một hoặc vài triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, nói khó, mắt mờ, tê hoặc yếu tay chân một bên…, nên gọi cấp cứu ngay hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất vì đó có thể là những triệu chứng ban đầu của cơn đột quỵ” - ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cảnh báo.

BS Giao cho biết tình trạng rối loạn tiêu hóa do ăn uống có thể bị nhầm lẫn với tiêu chảy nhiễm trùng (tiêu chảy cấp) vốn cần vào BV để giải quyết ngay. Tiêu chảy nhiễm trùng có đặc điểm là hay gây sốt, buồn nôn, uống thuốc trị tiêu chảy không khỏi… Các trường hợp này nếu không được nhập viện kịp thời thì có thể dẫn đến mất nước, trụy mạch. Người bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm nặng kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác cũng nên vào BV để được kiểm tra.

“Nhiều bệnh nhân cứ nghĩ rằng đầu năm vào BV thì “không may” nên khi có bệnh cũng ráng chờ nhưng nếu chỉ vì vào BV trễ mà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc thì cần suy nghĩ lại. Nhiều người cũng lo vào ngày Tết, BV không hoạt động như ngày thường nhưng thực ra vì là ngành nghề đặc thù nên dù nghỉ bao nhiêu ngày thì các BV vẫn bố trí các ca trực Tết đầy đủ, bảo đảm tiếp nhận bệnh nhân ở mọi chuyên khoa” - BS Giao khẳng định.

BS Huy lưu ý trong các ngày Tết, trung tâm cấp cứu với đường dây nóng 115 cũng tăng cường các tua trực để bảo đảm hoạt động cấp cứu ngoại viện, đặc biệt nếu xảy ra tình huống khẩn cấp ở những điểm vui chơi như hội hoa Xuân, đường hoa, điểm bắn pháo hoa… Người dân khi gặp chuyện nên gọi ngay 115 vì luôn có xe cấp cứu túc trực ở các địa điểm này.

Có tiền sử bệnh, coi chừng!

ThS-BS Võ Quang Huy lưu ý những người đã có tiền căn cao huyết áp, đái tháo đường..., ngoài việc nắm rõ những biểu hiện cần cấp cứu thì nên lưu ý tới chế độ ăn ngày Tết. Nếu cứ thoải mái với các thực đơn nhiều đạm, đường, bia rượu... thì coi chừng sẽ phải nhập viện. Dù bận rộn với những chuyến đi chơi, tiệc tùng, người đang mang bệnh cũng nên lưu ý duy trì chế độ thuốc men, ăn uống, sinh hoạt… theo yêu cầu của BS điều trị.

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét