Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Kỳ thi chung 2015: Không nên bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2015, do kỳ thi THPT giải quyết hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên không thể lấy kết quả đó để đánh giá tốt nghiệp. Tuy nhiên, công thức tính kết quả để xét tốt nghiệp sẽ không khác so với năm 2014, nghĩa là 4 môn thi tốt nghiệp chiếm 50% và kết quả học tập lớp 12 chiếm 50%.

Trước thông tin mới này, nhiều học sinh tỏ ra hơi tiếc vì 3 năm học phấn đấu để có được bằng tốt nghiệp THPT loại ưu, đồng thời khá lo lắng liệu phương án xét tuyển thẳng của các trường ĐH có dựa vào kết quả thi này hay không.

Em Huỳnh Nga (lớp 12 Trường THPT Trần Phú) cho biết: “Những năm trước em theo dõi thấy có một số trường xét tuyển thẳng một số trường hợp có kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Năm nay Bộ bỏ xếp loại tốt nghiệp thì không biết các trường có còn dựa vào kết quả thi này để tuyển thẳng nữa hay không. Nếu có trường vẫn căn cứ vào điểm thi này để tuyển thẳng thì chúng em sẽ thiệt thòi vì đã không cố gắng”.

Kỳ thi chung 2015: Không nên bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT 1

Theo PGS Văn Như Cương, nếu bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ dẫn đến sự cào bằng chất lượng học tập của thí sinh. Học sinh sẽ lơ là việc học tập, không có động lực học các môn mình không yêu thích để đạt được ngưỡng tối thiểu nào đó. Điều này sẽ không thể đánh giá được năng lực toàn diện của các em hoặc làm “thui chột” ý chí phấn đấu của những học sinh có tư duy tốt, chăm chỉ muốn phấn đấu học tập toàn diện các môn học.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, không nên bỏ xếp loại tốt nghiệp vì đây là bậc học rất quan trọng để học sinh phát huy năng lực toàn diện, các trường ĐH, CĐ chọn lựa thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình. Ví dụ như năm 2015, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện quy chế tuyển sinh riêng. Theo đó, nhà trường sẽ tuyển thẳng 400 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT loại Giỏi và có tổng điểm 4 môn thi đạt 32 điểm trở lên.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ thực hiện phương án tuyển sinh riêng, Bộ GDĐT vẫn nên duy trì cách thức xếp loại tốt nghiệp THPT vì như vậy sẽ tạo động lực để học sinh phấn đấu hơn trong học tập, chứ không hề gây áp lực cho học sinh.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, năm 2015, thí sinh sẽ nộp hồ sơ vào trường ĐH, CĐ nào phù hợp với năng lực, sở thích sau khi biết kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh, tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra tình trạng 1 thí sinh nộp hồ sơ vào một số trường ĐH, CĐ hay nộp vào trường nào đó nhưng lại không đến nhập học; thí sinh đột xuất đi học ở nước ngoài sau khi đã nhập học được một thời gian… Vì thế, khả năng thí sinh ảo vẫn có thể xảy ra tại nhiều trường, đặc biệt là các trường top dưới.

Source : kenh14[dot]vn
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét