Đã thành tiền lệ, vào năm cuối cùng của bậc đại học, tất cả sinh viên năm cuối đều chụp ảnh kỷ yếu để làm kỷ niệm một thời sinh viên đã qua của mình. Ngày nay, do công nghệ phát triển, đời sống của mọi người khấm khá hơn, những tấm ảnh kỷ yếu không chỉ mang tính kỷ niệm mà còn dịp để các sinh viên chăm chút cho dung nhan của mình để trở nên lung linh nhất trong ảnh.
Hàng loạt dịch vụ ăn theo mùa chụp ảnh kỷ yếu để làm vừa lòng những cô cậu sinh viên. Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu trọn gói cao cấp cũng có, bình dân cũng có làm cạn túi của các bạn sinh viên năm cuối.
Lê Hoa (sinh viên năm cuối Đại học Đại Nam) cho biết: “Mình tiêu tốn gần 1 triệu trong ngày chụp ảnh kỷ yếu. Nhìn thì đơn giản, nhưng chụp ảnh kỷ yếu tiêu tốn rất nhiều khoảng, từ tiền chụp ảnh kỷ yếu, tiền thuê áo cử nhân, tiền thuê áo dài, tiền thuê xe, thuê trang điểm, mua hoa….Để có nhiều ảnh đẹp và ấn tượng hơn, nhóm mình 5 đứa còn gom tiền để thuê nháy riêng. Kết thúc ngày chụp ảnh kỷ yếu, mình cạn túi và mệt bã người.”
Minh Hà (sinh viên năm cuối ĐH QG HN) chia sẻ: “Mình thấy giá chụp ảnh kỷ yếu và thuê áo dài năm nay đã hạ nhiệt so với năm ngoái, do các bên cung cấp dịch vụ đều ra sức hạ giá, tăng combo để thu hút khách hàng. Cũng có nhiều bạn sinh viên mở dịch vụ đến tận trường trang điểm chụp ảnh kỷ yếu tuy nhiên mình cảm thấy chất lượng trang điểm không được như mong muốn. Vì giá các bạn đưa ra cũng khá rẻ. Tiền nào của nấy mà.”
Sau cơn bão mang tên “chụp ảnh kỷ yếu” sinh viên năm cuối còn phải gánh thêm các khoản thu “đã thành tiền lệ”.
Nhật Minh (sinh viên năm cuối ĐH KTKTCN) than trời: “Là sinh viên năm cuối khổ quá. Tháng 11 này, lớp mình đã phải đóng mỗi người 900 ngàn tiền cảm ơn tất cả các thầy cô, số còn lại, lớp trưởng sẽ tổ chức đi liên hoan. Nghĩ đến khoản thu ấy mà mình chẳng biết làm sao.”
Anh Thư (sinh viên ĐH CN) cũng cùng ý kiến: “Hầu như tất cả các khóa trước đều tặng quà cảm ơn thầy cô trước ngày ra trường, nên từ đầu năm lớp mình đã đóng 500 ngàn mỗi bạn rồi. Vì vẫn thiếu ngân sách cho những ngày lễ tết, liên hoan, nên lớp trưởng đã báo trước là bọn mình sẽ phải đóng thêm một khoản nữa.”
Được làm khóa luận và bảo vệ khóa luận là vinh dự rất lớn của nhiều bạn sinh viên. Hơn nữa, điểm khóa luận thường là cao hơn điểm thi tốt nghiệp nên khá nhiều bạn sinh viên hào hứng khi thấy tên mình có trong danh sách làm khóa luận. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn sinh viên cũng trong tình trạng khấp khởi vừa mừng vừa lo. Vì làm khóa luận lâu nay nổi tiếng là rất tốn kém.
Minh Trang (sinh viên Học viện BCTT) cho biết: “Năm ngoái mình đã làm và bảo vệ thành công khóa luận. Làm khóa luận rất tốn thời gian, tâm sức và cả tiền bạc nữa. Mình phải in đi, in lại để sửa khóa luận vài lần. Mỗi lần tốn vài trăm ngàn chứ không rẻ. Còn chưa kể tiền quà cáp mang đến biếu giảng viên hướng dẫn làm khóa luận và hội đồng chấm khóa luận nữa.”
Anh Tùng (chủ một hiệu photocopy ở gần Học viện BCTT) cho hay: “Chi phí làm khóa luận tùy thuộc vào năng lực của các em. Các em làm tốt, cẩn thận thì không phải sửa nhiều, in đi in lại tốn công. Tuy nhiên, làm khóa luận không bao giờ rẻ. Chi phí rơi vào khoảng 5 – 20 triệu.”
Ngoài chuyện học, chuyện thi cử, đây cũng là một mối lo nghĩ của sinh viên năm cuối. Có thể vì lối sống trọng hình thức, lễ nghĩa đã từ rất lâu, đã khiến nhiều sinh viên năm cuối nghĩ đến ngày ra trường trong tâm trạng “vừa mừng, vừa lo”.
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét