Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Những cuộc đổi chủ đình đám: Giữ thì “chết”, bán thì lo

Thương hiệu là sự tổng hòa giữa sự nổi tiếng và lợi nhuận. Nhà đầu tư mua một doanh nghiệp (DN) nghĩa là mua cả danh tiếng, giá trị hiện thời và khả năng sinh lời trong tương lai.

Hụt hơi

Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Masso Group, những vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám vừa qua phản ánh phần nào sự mệt mỏi của các DN Việt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ quốc tế dày dạn kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế trong nước ì ạch kéo dài; hàng tiêu dùng tại Việt Nam ra đời sau các nước (Thái Lan, Trung Quốc...) nên việc quản trị đòi hỏi chủ DN phải tham gia sâu và liên tục đổi mới. Thế hệ lãnh đạo khai phá những thương hiệu lớn đều đã chớm già, việc chuyển giao lãnh đạo tại các DN Việt phần lớn chưa thành công do tư duy quản trị truyền thống, nguồn nhân lực cấp cao hạn chế.

Những cuộc đổi chủ đình đám: Giữ thì “chết”, bán thì lo - 1

Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) sau khi bỏ ra 655 triệu USD để mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam, nay mua tiếp 11% cổ phiếu của Vinamilk Ảnh: TẤN THẠNH

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Ý tưởng thương hiệu Left Brain Connectors, cho rằng DN Việt đang trong giai đoạn khủng hoảng lãnh đạo. Kinh Đô, Vinamit, Minh Long… phát triển mạnh nhờ sự sáng tạo của các nhà sáng lập ra những thương hiệu này. Thế hệ lãnh đạo tiên phong không còn trẻ, nếu muốn giữ ổn định, phát triển DN trong giai đoạn mới thì phải thu hút nhân sự, chuyển giao công nghệ và quản trị DN. Do đó, các ông chủ muốn bán DN để có vốn làm ăn, thoát khỏi quản lý và chuyển sang làm nhà đầu tư ở những lĩnh vực giá trị cao và ít trực tiếp quản lý hơn.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, hiện nhiều DN đang ráo riết chuẩn bị cho cạnh tranh thời kỳ hội nhập nên việc sắp xếp, tái cấu trúc lại là cần thiết. Không nhất thiết phải cố duy trì thương hiệu đang rất mạnh (có thể sẽ yếu dần trong tương lai), thay vào đó có thể hợp tác với những đối tác lớn để cùng phát triển thương hiệu đó; bán bớt một phần giá trị của hệ thống phân phối, thương hiệu để lấy tiền đầu tư nơi khác. “Làm như vậy vẫn tốt hơn đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao bởi hầu hết các DN Việt Nam là DN gia đình, quản trị theo kiểu gia đình chứ không phải quản trị khoa học. Hợp tác với nước ngoài, DN được 2 cái lợi là học hỏi lối quản trị của họ và có được nguồn vốn lớn” - ông Hưng nói.

Tương lai mù mịt!

Điểm qua các thương vụ M&A, DN Việt nắm tỉ lệ còn lại rất ít. Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, nhà đầu tư nước ngoài chi phối sở hữu, hiển nhiên họ muốn mượn kênh phân phối, cơ sở khách hàng và hệ thống sẵn có để đưa sản phẩm của họ vào. Chiều ngược lại, sản phẩm thương hiệu Việt chảy vào hệ thống toàn cầu của họ rất ít do thiếu lợi thế cạnh tranh. Tương lai của thương hiệu Việt trong những thương vụ M&A rất mịt mù!

“Qua các thương vụ M&A hay hợp tác, DN Việt có thể học hỏi, tận dụng thế mạnh, nguồn lực của đối tác nước ngoài nhưng cũng gặp nhiều thách thức trong việc thống nhất, thay đổi tổ chức để thích nghi với mục tiêu mới, tổ chức mới và nhiều vấn đề hậu M&A khác” - ông Thẳng nói.

Trên thực tế, những DN đang phát triển mạnh là nhờ các ông chủ có bản lĩnh và “có gan làm giàu”. Thế nhưng, nay Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với quốc tế, thời kỳ “săn bắt hái lượm” đã qua. DN muốn phát triển phải có nguồn vốn bảo đảm. Những “ông lớn” như Kinh Đô, Vinamit… có được nguồn vốn mạnh nhờ huy động trên thị trường chứng khoán, họ dùng nguồn vốn đó đầu tư vào giá trị cốt lõi và đã tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, để DN phát triển bền vững thì phải tăng trưởng thông qua năng suất, cụ thể là sử dụng công nghệ hiện đại và lao động tay nghề cao. Nhiều DN Việt đang thiếu 2 yếu tố này nên khó hội nhập và cạnh tranh bền vững. “Không ít DN đang tồn tại nhờ có thị trường trong nước và được hàng rào thuế quan bảo hộ. Sắp tới, hàng rào thuế quan gỡ bỏ, DN chỉ còn lợi thế duy nhất là thị trường. Đa số nhà đầu tư ngoại đầu tư vào DN Việt nhằm mục đích mua lại thị trường, hệ thống phân phối này. Trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ chứ không phải thị trường sản xuất và thị trường với hơn 90 triệu dân là thị trường khổng lồ. Những DN nắm vững lĩnh vực phân phối bán lẻ, logistics sẽ sống khỏe; những DN sản xuất muốn tồn tại được phải thu hút đầu tư để đổi mới công nghệ” - ông Phạm Việt Anh nhận định.

Kỳ tới: Thương hiệu thuần Việt, nên hay không?

“Hôn nhân” ngắn ngủi

Khẳng định đã “đường ai nấy đi” sau thời gian ngắn công bố hợp tác với một “đại gia” ngành bánh kẹo, ông chủ một thương hiệu cà phê cho biết lý do của cuộc “hôn nhân” ngắn ngủi là 2 bên không tìm được tiếng nói chung. Theo vị giám đốc này, ông bắt tay với đối tác không phải vì tiền mà vì họ có những điểm mạnh, DN ông chưa có được hoặc phải đầu tư rất nhiều tiền. Tuy nhiên, trong mối hợp tác này, nếu DN vẫn muốn giữ lại bản sắc đứa con tinh thần của mình thì phải chọn đối tác phù hợp, thỏa thuận rõ ràng và xác lập những vùng “bất khả xâm phạm”.

Source : 24h[dot]com[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét