Không khí của 10 phút cho “Bài học cuộc sống” của học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: N.Khánh
Và đôi khi thầy cô cũng phải bất ngờ vì hiệu quả của 10 phút đó mang lại trước những giá trị mà học sinh tìm thấy, viết ra và thốt lên...
Đó là điều ghi nhận ở những giờ văn của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội).
Khô khan cũng thành sinh động
“Bài học cuộc sống” do tổ văn của trường đề xuất khi thiết kế kế hoạch dạy học dựa theo chương trình hiện hành và tôi đồng ý để giáo viên triển khai trong các giờ học văn gần một học kỳ qua.
Đó là sáng kiến khuyến khích học sinh chủ động nói lên suy nghĩ, cảm nhận riêng, liên hệ giữa bài học và thực tế cuộc sống quanh mình.
“Bài học cuộc sống” cũng là cách để học sinh ghi nhớ bài học luôn trên lớp và thấy văn gần với đời” - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết.
Cô Nguyễn Kim Anh, cô giáo đề xuất sáng kiến về “Bài học cuộc sống”, đã cho chúng tôi xem những dòng ghi chép của học sinh trên vở của các em. Một bài học tưởng như không hấp dẫn như Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác) vì thuộc dòng văn học cổ nhưng đọc những nội dung được đúc kết trong vở học sinh thì thấy tác phẩm đã được thổi vào hơi thở của cuộc sống hiện tại mà người làm việc này không chỉ có cô giáo mà cả học sinh.
Nói về thế tử Cán, con của chúa Trịnh Sâm sống trong xa hoa những vẫn mang bệnh, học sinh viết “Cuộc sống xa hoa không chắc mang lại niềm vui và sức khỏe”.
“Khi tôi dạy Tuyên ngôn độc lập, một tác phẩm với người lớn chúng ta thì đều thấy rõ giá trị nhưng với trẻ con, thành thật mà nói, để giảng hay, để các em cảm nhận được giá trị của tác phẩm không dễ. Nhưng khi cho các em tự rút ra bài học cuộc sống từ tác phẩm này, nhiều em đã khiến tôi bất ngờ” - cô Kim Anh cho biết.
“Chỉ khi con người bị đẩy vào cuộc sống lầm than, khi quyền con người bị xâm phạm thì có lẽ khát vọng tự do mới trở nên mãnh liệt” - một học sinh viết, hay: “Sinh ra trong cuộc sống hòa bình, cảm nhận về “độc lập, tự do” rất mơ hồ, nhưng khi đặt mình vào tình thế của đất nước đang bị đe dọa thì Tuyên ngôn độc lập khiến em cảm thấy thiêng liêng” - một học sinh khác phát biểu.
Học sinh phản biện
Cô Lê Thị Hồng Hạnh, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết: “Từ sáng kiến của cô giáo Kim Anh, chúng tôi đã thống nhất triển khai trong toàn tổ và hiệu quả mang lại rất tốt.
Theo quy ước, giáo viên dành 7-10 phút cuối mỗi tiết học để học sinh suy nghĩ phát biểu, tranh luận, phản biện lẫn nhau về các “bài học cuộc sống” theo cách nghĩ, cách cảm của mỗi học sinh.
“Các em rất hào hứng và mạnh dạn nói lên ý kiến của mình. Mỗi em có những bài học riêng, cả lớp có nhiều bài học khác nhau. Đôi khi các em phát biểu những ý kiến trái chiều rồi phản biện lẫn nhau rất sôi nổi. Các em nhớ bài và cảm nhận sâu sắc qua bài học, còn giáo viên hiểu hơn về học sinh” - cô Hồng Hạnh chia sẻ.
Rồi cô tiếp: khi dạy đoạn trích trong Tiễn dặn người yêu (Truyện thơ dân tộc Thái) cho học sinh lớp 10, có em đã cho rằng tình yêu đích thực là phải thủy chung. Nhưng có em khác lại phản đối rằng: “Khi người yêu đã đi lấy chồng thì không nên chờ đợi vô vọng”.
Xung quanh tác phẩm này có nhiều ý kiến, suy nghĩ trái ngược nhau đã được học sinh bộc lộ như một “diễn đàn nhỏ” khiến cô giáo cũng bị cuốn vào cuộc tranh luận của học sinh.
Cũng trong vở của học sinh lớp 11D2, ở bài học Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát), chúng tôi đọc được em Lê Ngọc Minh đã viết: “Trên đường đời có chỗ bằng phẳng, nhưng nhiều khi gặp chông gai thử thách, cần rèn luyện nghị lực để vượt qua”.
Một học sinh khác thì lời lẽ trẻ con hơn: “Khi thấy quá vất vả trên đường danh lợi thì nên dừng lại, đừng mê tiền”...
“Bài học cuộc sống” của các em trong mỗi giờ học văn đem lại cho tôi những điều bổ ích. Tôi hiểu học sinh hơn, thậm chí biết được cả hoàn cảnh của các em qua những dòng suy nghĩ.
Tôi cũng có điều kiện để trao đổi, phân tích, cả tranh luận với các em một cách bình đẳng. Tôi thường ghi chép lại những “bài học” của các em vào sổ như một “cẩm nang” dạy học cho mình.
Không phải tất cả những bài học các em rút ra đều hay, có em viết những dòng còn ngây ngô, trẻ con, vụng về...
Nhưng quan trọng đó là suy nghĩ chân thật của các em. Thực tế dạy học cho tôi thấy các em học sinh hoàn toàn có thể suy nghĩ những điều thật sâu sắc, nghiêm túc và chân thành nếu như chúng ta cho các em một môi trường để được bộc lộ” - cô Kim Anh chia sẻ.
Tiết học “Nếp nhà”
Cũng là một sáng kiến khác của cô giáo Nguyễn Kim Anh, tiết sinh hoạt của học sinh đã được cô giáo chủ nhiệm biến thành tiết học “Nếp nhà”.
Tiết “Nếp nhà” được cô Kim Anh soạn thành giáo án cẩn thận, mời phụ huynh cùng tham gia để trao đổi, hướng dẫn các con, học sinh thực hiện và chụp ảnh lại gửi cho cô để góp ý và biểu dương những học sinh làm tốt.
Những điều quá nhỏ nhặt đã được cô giáo chỉ dẫn từ việc xếp tủ quần áo, góc học tập đến gấp chăn mùa đông, xếp tủ bát, bày mâm cơm cho đẹp...
”Với nhiều học sinh thành phố, đây là những việc xa lạ, các em không biết làm và không có ý thức làm vì trong nhà bố mẹ thường làm thay hoặc nhà có người giúp việc. Vì thế tôi muốn dạy để các em biết đó là những công việc cần thiết phải biết và cần thiết trong cuộc sống tự lập của các em” - cô Kim Anh cho biết.
Một phụ huynh có con học lớp 11D2 Trường THPT Phan Huy Chú bày tỏ: ”Tôi rất cảm động và không biết nói gì hơn ngoài hai từ “tuyệt vời”. Vì từ bé tới giờ con tôi mới biết gấp quần áo, biết cầm chổi đúng cách để quét nhà”.
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét