Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Kiếm tỉ đô nhờ làm chip vi xử lý

Mới đây thiết bị thu thập dữ liệu từ xa - DCM sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 “made in Vietnam” đã vượt qua các đối thủ ngoại khác để thắng gói thầu trị giá gần 19 tỉ đồng cung cấp 3.000 modem cho Tổng Công ty Điện lực TP.HCM. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, vui mừng tiết lộ với chúng tôi.

Bắt đầu từ con số không

Có được những thành công bước đầu trên, quá trình nghiên cứu, sản xuất chip “made in Vietnam” không hề đơn giản mà phải vượt qua nhiều chướng ngại, thách thức.

Ông Hoàng kể, khởi động từ năm 2008, theo dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8 bit thương mại SG8V1” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đầu tư kinh phí, các kỹ sư ICDREC tiến hành trên nền tảng gần như là con số không vì Việt Nam chưa có ngành công nghiệp bán dẫn.

“Nhiều người ngạc nhiên, tại sao chúng tôi lại bắt tay vào con chip 8 bit khi thế giới đã làm từ rất lâu và đang sản xuất đại trà chip 64 bit. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, chip 8 bit là điểm lý tưởng khởi đầu để Việt Nam học hỏi. Khi nắm chắc công nghệ thì việc tiến lên những thiết kế phức tạp hơn sẽ không quá khó” - ông Hoàng nhớ lại.

Kiếm tỉ đô nhờ làm chip vi xử lý - 1

Kỹ sư ICDREC chế tạo chip tại phòng thí nghiệm Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Chỉ sau một năm vừa học vừa làm, bản thiết kế con chip được hoàn thiện. Đến đây lại vướng chuyện Việt Nam không có nhà máy sản xuất chip, phải gửi sang nước ngoài để sản xuất. ICDREC đặt hàng một công ty thiết kế, sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Đài Loan (số lượng 150.000 con chip) với kỳ vọng về niềm tin công nghệ Việt sẽ chen chân được với các đại gia trong làng vi mạch. Thay vì chờ đợi sự hồ hởi hợp tác từ phía đối tác thì ICDREC lại bị dội một gáo nước lạnh khi đối tác từ chối.

Sự từ chối lạnh lùng ấy đã tăng thêm quyết tâm cho những người tham gia dự án. ICDREC đã nâng cấp toàn bộ tính năng của con chip, sau đó tìm đối tác khác chấp nhận sản xuất con chip để đưa sản phẩm ứng dụng thực tế. Cuối cùng ICDREC đã thành công. chip SG8V1 ra đời hoàn thiện về mặt kỹ thuật và đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế khác.

Giảm phụ thuộc chip ngoại

Ông Hoàng cho biết thị trường chip loại 8 bit vẫn có nhu cầu lớn với mức doanh thu hàng tỉ USD/năm. Tại thị trường Việt Nam, chip vi điều khiển ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị như giám sát hành trình, điện kế điện tử, máy đo huyết áp, máy điều hòa… Ngay cả khi các sản phẩm này được nội địa hóa vẫn phải sử dụng con chip xử lý bên trong các thiết bị của các hãng công nghệ nước ngoài. Chủ yếu sử dụng chip PIC của Microchip - ông vua chip trên thế giới và chip của Công ty Intel vốn “độc quyền” trên thị trường. Trong khi đó, chip SG8V1 do nước ta sản xuất cũng hoàn toàn đảm nhiệm được việc xử lý các thiết bị trên.

Chip SG8V1 đạt các tính năng không thua kém và có tốc độ xử lý nhanh hơn bốn lần so với chip PIC. Mặt khác, khi sử dụng chip SG8V1, các doanh nghiệp nội địa không sợ bị đứt hàng, buộc phải thiết kế lại sản phẩm vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí.

“Giá thị trường, chip SG8V1 “made in Vietnam” rẻ bằng một nửa so với chip ngoại. Các công ty Việt Nam hiện đang mua chip ngoại với giá 75.000 đồng/con chip nhưng chip SG8V1 giá chỉ 40.000 đồng. Bài toán hiệu quả đặt ra ở đây, khi mua 1 triệu con chip ngoại, doanh nghiệp phải bỏ ra 75 tỉ đồng thì với con chip SG8V1 chỉ tốn 40 tỉ đồng. Như vậy doanh nghiệp tiết kiệm được 35 tỉ đồng” - ông Hoàng phân tích.

Thị trường tiềm năng

Trở lại gói thầu gần tỉ USD thành công mới đây, ông Hoàng cho hay thiết bị thu thập dữ liệu từ xa - DCM sử dụng chip Việt Nam, giá cho thuê dịch vụ chỉ 95.000 đồng/điểm đo/tháng, rẻ hơn 30% so với giá cũ. Do đó tính riêng TP.HCM (dự kiến đến năm 2015 sẽ trang bị 40.000 điểm đo) trung bình mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho ngân sách gần 25 tỉ đồng. Tính trung bình cả nước đến năm 2015 dự kiến trang bị 100.000 điểm đo, mỗi năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiết kiệm được cho ngân sách trên 60 tỉ đồng.

Hiện nay, con chip do ICDREC sản xuất cũng cho ra đời hàng loạt sản phẩm thiết yếu của ngành điện. Như sản phẩm công tơ điện tử một pha - SEM1 sử dụng phổ biến cho hộ gia đình và hộ kinh doanh nhỏ trên mạng phân phối điện. Ngoài các tính năng đo đếm điện năng chính xác, ổn định, SEM1 còn cấu hình nhiều biểu giá, biểu đồ phụ tải, tự động chốt và lưu hóa đơn trong vòng một năm và đặc biệt là chống gian lận điện.

Một sản phẩm sử dụng chip Việt nổi bật khác là khóa điện tử giám sát hệ thống container với nhiều chức năng như giám sát vị trí container, vận tốc, hướng di chuyển, đang chạy hay dừng. Khóa còn có thể cảnh báo đóng, mở khóa, phá móc khóa. Nhờ vậy doanh nghiệp sẽ quản lý được các xe container, tránh được tình trạng mất hàng hóa.

Hiện ICDREC có trong tay 14-15 sản phẩm có ứng dụng con chip SG8V1. Ngoài ra, ICDREC đã nhận nhiều đặt hàng từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Có khả năng ICDREC sẽ tăng đầu ra cho chip SG8V1 lên đến 300.000 con chip mỗi năm. Sắp tới, ICDREC sẽ hợp tác với nhiều nhà đầu tư để nghiên cứu và không ngừng nâng cấp chất lượng con chip và sản xuất nhiều sản phẩm thực tế ra thị trường trong nước.

Phải “made in Vietnam” hoàn toàn

Việc con chip vi điều khiển SG8V1 bán ra thị trường đủ sức cạnh tranh với chip Mỹ, Trung Quốc chứng tỏ sự thành công của trí tuệ Việt Nam. Rất đáng tự hào. Sản xuất, thiết kế, chế tạo con chip là 100% Việt Nam nhưng nguyên phụ liệu làm chip chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Vì thế trong thời gian tới, ICDREC phải làm sao để “made in Vietnam” hoàn toàn con chip này. Với kế hoạch phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020, TP sẽ có những chính sách hỗ trợ, xây dựng nhà máy sản xuất chip để tạo điều kiện công nghệ vi mạch phát triển.

Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Source : 24h[dot]com[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét