Trước hết ta nên loại bỏ kiểu học rập khuôn, học như “chú vẹt”. Một số bạn thức trắng đêm học bài, tuy nhiên kết quả lại không như mong muốn. Nhưng một số khác lại không cần thức tận sáng, họ ngủ sớm, không phải lười biếng, mà họ đã hoàn tất bài học. Đó chính là điểm khác nhau của quá trình học tập.
Hãy nhớ học bài hiệu quả không chỉ thể hiện ở điểm số cao, mà còn giúp ích sau này cho chúng ta. Phải nhìn xa trông rộng mới có thể thành công. Có thể, bạn đã từng được thầy cô, bố mẹ, anh /chị bảo học sao cho không quá sức, thả lỏng tinh thần khi vào phòng thi, đọc kỹ đề bài, dò lại bài làm...Nhưng không ai bảo bạn cách học bài cho hiệu quả, vừa giúp bạn thoải mái hơn vừa đỡ mất thời gian. Cùng xem các liệt kê giúp ích cho việc học tập của bạn:
1. Tưởng tượng
Trong quá trình học bài, tưởng tượng là một yếu tố rất quan trọng và tạo cho ta cảm giác thoải mái. Khi kết hợp thật xuất sắc việc đọc bài lên bằng miệng và tưởng tượng thì khả năng nhớ rất nhanh, thậm chí nó giúp ta nhớ mãi.
Bạn hãy sử dụng hết khẳ năng, trí tưởng tượng phong phú của mình, thậm chí hãy tưởng tượng nó trông thật buồn cười.
Cùng tưởng tượng nào!
2. Dùng viết dạ quang
Hãy trang bị cho mình một cây viết dạ quang màu sáng, chẳng hạn như màu xanh lá non. Gạch lên những cụm từ quan trọng, khó nhớ, mấu chốt của bài. Không gạch những từ rườm rà như: của, những, thì, như,với...Những phần gạch trọng tâm sẽ nổi bật lên giữa trang vở, giúp kích thích não bộ của chúng ta, gây sự chú ý đặc biệt. Giúp chúng ta mau nhớ, dễ dàng nắm được nội dung của bài.
3. Bảng
Đối với công thức Toán, Lý, hay từ vựng Anh Văn..thì tấm bảng là “trợ lý” đắc lực nhất của chúng ta. Nó còn là công cụ dò bài hiệu quả. Vì khi viết lên bảng, chúng ta đã thực hiện cả hai cách học đó là đọc nhẫm trong miệng và viết lại. Đỡ mất thời gian và sức lực.
4. Một ngày “ba bữa”
Thật vậy, trong một ngày khả năng tiếp nhận thông tin của mỗi người có giới hạn riêng cũng như việc ăn cơm vậy, một ngày ba bữa rất cần thiết. Nhưng nếu ăn thật nhiều, nhiều đến mức ta không thể ăn nữa sẽ dẫn đến bội thực. Bài vở cũng thế đấy! Người cố gắng nhồi nhét kiến thức không thể nào làm bài tốt được.
Việc học dồn, học quá nhiều trong một ngày chỉ làm cho kiến thức mau sơ tán, dễ quên. Thậm chí là gây áp lực cho bản thân, dẫn đến mất sức, mất thời gian, hiệu quả thấp. Phải phân chia bài học thật hợp lý, học đều đặn, từ từ. Tốt hơn hết là tự vạch ra kế hoạch học tập cho một tuần.
5. Không chịu chờ đợi
Đừng để thời gian chờ đợi một ai đó trôi qua lãng phí. Hãy nhớ lại bài cũ, công thức toán học hay một từ vựng.. đây là cách nhẩm lại bài “khe hở”. Nếu bạn biết sử dụng khoảng thời gian trống đó, dần dần nó trở thành một thói quen, sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời cho quá trình học tập và làm việc sau này. Theo thống kê, những người thành công đều biết tận dụng thời gian của họ một cách hữu ích và hiệu quả. Dù có thể chỉ là 5 phút hay 10 phút chờ đợi, nhưng người ta cũng làm nên lịch sử. Bạn không tin à? Ông Pytago là một minh chứng đấy, người khá là quen thuộc với các bạn học sinh trong Định lý tam giác vuông. Chính trong lúc chờ đợi, ông đã ngẫm ra định lý đó. Hãy thực hành vào cuộc sống vì nó sẽ tạo ra những bất ngờ cho bạn!
6. Sử dụng cách học của Bác
Chắc hẳn ai cũng biết, Bác Hồ của chúng ta đã học những năm thứ tiếng nước ngoài. Cách học của Bác khá đơn giản đó là viết ra tay. Đây là cách học rất hiệu quả, bạn có thể viết công thức, những từ khó học, từ vựng mới lên tay của mình. Dù bạn đang làm việc gì, đi đâu, bạn đều có thể mở tay ra học và nhẩm lại. Đây là cách học mọi lúc mọi nơi, áp dụng được đối với bất kỳ việc học nào, đối tượng nào.
7. Lập sơ đồ tư duy hay tóm tắt ý chính
Đây là cách khá hay và quen thuộc đối với học sinh, sinh viên. Nhưng cách này sẽ thật khó khăn khi sử dụng trong trường hợp: vào lúc thi cử, kiểm tra mới lập ra sơ đồ cho các bài học. Khi nói đến học bài cho dễ nhớ, thì phần đông các bạn đưa ra ý kiến “ Lập một sơ đồ để tóm tắt các ý chính”. Vâng! Đúng như thế, nhưng bạn phải biết, sơ đồ tư duy có một ranh giới rất rõ ràng, chúng ta không thể áp dụng tùy tiện. Như ở trường hợp vừa nêu trên, việc sử dụng sơ đồ là phản tác dụng, không hiệu quả và tiêu hao thời gian. Nên các bạn cần hiểu và áp dụng sơ đồ tư duy đúng cách: Lập một sơ đồ tư duy là khi hoàn tất các bài học có mối liên kết nhau, một bài học mà bạn cho là khó hoặc trọng tâm, nó có tác dụng giúp chúng ta hiểu bài ngay, tóm được nội dung một cách dễ dàng.
Tóm lại, sơ đồ tư duy áp dụng cho cả quá trình học lâu dài. Đến kiểm tra, thi cử là việc chúng ta xem lại, nhớ lại nó chứ không phải ngồi lập sơ đồ.
8. Bỏ những thói quen "xấu" của học sinh/sinh viên
Vừa học vừa nghe nhạc, online trong khi học, vừa học vừa nhắn tin với bạn bè, hay kiểu “nước đến chân mới nhảy”, chủ quan đối với bài học dễ hay ghi chép một cách thái quá. Nếu bạn rơi vào một trong số trường hợp này thì phải sửa đổi nhanh chóng. Vì đó là nguyên nhân khiến việc học tập của chúng ta trở nên khó khăn, trượt dốc
Hãy học tập say mê, học đúng cách mà vẫn đảm bảo được một chút thời gian thư giãn với bạn bè, gia đình. Bảy cách học này đã được liệt kê từ phần đông của các bậc đi trước, từ những người thành công. Nó khai thác tất cả những khẳ năng tư duy của bạn, mà trước đó bạn không nhận thấy. Nếu kết hợp hoàn hảo bảy cách học sẽ giúp bạn có lợi thế hơn trong việc học tập, làm chủ việc học, học hành thoải mái và mang lại hiệu quả bất ngờ cho bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm một vài quyển sách để rút ra bí quyết học tập cho bản thân và thành công trong cuộc sống “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế - Adam Khoo”, “Học giỏi cách nào đây? – Teo Air Cher”. Chúc các bạn hoàn thành tốt công việc học tập và sớm đạt được mục tiêu của mình.
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét