Ứng dụng Uber trên smartphone kết nối người có nhu cầu đi xe với những xe ô tô nhàn rỗi. Xe tham gia không có biển hiệu hay đồng hồ tính cước. Thông tin về chi phí, lịch trình chuyến đi sẽ được báo về điện thoại của khách. Khách thanh toán bằng thẻ Visa, Mastercard... Chủ xe hưởng 80% số tiền này và Uber hưởng 20%.
Trước những tranh cãi về độ an toàn và tính pháp lý của ứng dụng này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có một số quan điểm.
Xin ông cho biết quan điểm về ứng dụng Uber mới xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 7 vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Ở mức độ nào đó, Uber áp dụng tiếp bộ của khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả chung cho xã hội. Xét về trước mắt, người dân được lợi. Hiện nay mỗi khi có khách gọi, đôi khi có tới 5, 6 xe cùng phóng tới đón. Điều này gây lãng phí. Trong khi Uber chỉ báo cho tài xế gần nhất. Đó là lợi ích cho xã hội.
Uber cũng công bố giá cước luôn giúp khách có dữ liệu để quyết định đi hay không, cũng tránh được tài xế đi vòng vo. Đó là ưu việt.
“Nên quản lý Uber, tạo sân chơi bình đẳng chứ không nên ngăn cấm”.
Với những ưu điểm này, Uber sẽ vượt qua các doanh nghiệp taxi truyền thống?
Hiện nay Uber xâm hại tới quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống. Các doanh nghiệp này đăng ký đầy đủ, chịu nhiều sự quản lý của cơ quan nhà nước. Một bên chịu nhiều sự quản lý, chịu nhiều khoản phí còn một bên chưa đăng ký, cứ thế thu tiền. Bị xâm hại thì họ phải có ý kiến. Ông Tạ Quang Hỷ, chủ tịch hiệp hội vận tải taxi thành phố Hồ Chí Minh phản đối quyết liệt lắm.
Cụ thể các doanh nghiệp đang bị "xâm hại" như thế nào, theo ông?
Uber thu tiền từ khách rồi trả tiền cho lái xe mà không có nghĩa vụ nộp thuế khiến người ta cảm thấy họ trốn thuế. Theo quy định, muốn kinh doanh phải đăng ký nhưng anh chưa thấy đăng ký gì mà lại thu tiền. Trong khi các doanh nghiệp vận tải truyền thống nộp thuế đầy đủ và chịu nhiều mức phí khác.
Trong quá trình vận tải, nếu xảy ra tai nạn, các hãng taxi phải chịu trách nhiệm với khách hàng như đóng bảo hiểm, đền bù… Trong khi đối với Uber, nếu có chuyện gì xảy ra, khách phải chịu vì họ coi như là người đi nhờ.
Ông mong muốn gì khi các doanh nghiệp vận tải taxi “bị xâm hại” như ông nói?
Những lái xe taxi được vào hệ thống Uber thì được tập huấn. Tuy nhiên, có những lái xe nhàn rỗi, không được tập huấn, không biết nghiệp vụ kinh doanh vận tải vẫn nhảy vào kinh doanh. Dù đây là điều có ích cho xã hội là huy động được đội ngũ này nhưng vì vận tải ô tô là vận tải có điều kiện, phải thực hiện theo điều kiện nhà nước quy định.
Nếu Uber không đăng ký thì được coi là bất hợp pháp. Uber cần phải chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.
Một số ý kiến đề nghị tạm cấm Uber, ông có nhận định gì?
Nên quản lý, tạo sân chơi bình đẳng chứ không nên ngăn cấm. Không quản được mà cấm là dở, thế giới không chơi với mình nữa. Nhưng phải có cách quản lý để tạo sân chơi bình đẳng. Trong sân chơi đó, quyền lựa chọn là của người dân. Bên nào quản lý tốt, giá thành hạ, chất lượng phục vụ tốt thì thắng. Bên kém thì thua và phải tâm phục khẩu phục. Hiện nay các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống chưa phục vì Uber chưa được quản lý.
Nếu Uber đăng ký kinh doanh, chịu sự quản lý của nhà nước mà giá thành vẫn thấp hơn taxi truyền thống, ông đánh giá thế nào?
Tôi rất hoan nghênh. Anh chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, cam kết bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, giá lại rẻ thì càng tốt. Các doanh nghiệp taxi sẽ có các biện pháp phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét