Giữa lòng Hà Nội phồn hoa, có một “ Hà Nội Đủ"
Một hiện thực mà có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được hoặc ít nhiều nhìn ra, ngày ngày chúng ta ăn những bữa cơm no đủ, những bữa cơm mà được dặn lấy gạo “thừa còn hơn thiếu”, ngày ngày những nhà hàng khách sạn bỏ đi những đồ ăn vừa mới hết hạn sử dụng, những đồ ăn thừa gần như còn nguyên của thực khách, rồi những bữa tiệc buffet thừa mứa. Và, ngày qua ngày, ẩn dưới sự phồn thịnh dư thừa ấy luôn có những cảnh đời run rẩy vì đói, những người vô gia cư, những người dân lao động nghèo. Chỉ ngay ở khu Long Biên thôi ai cũng có thể nhìn thấy hai hình ảnh trái ngược, một mảng màu sáng của ánh đèn lung linh từ xe cộ, cửa hàng, biển quảng cáo và một mảng màu tối với những ánh đèn lập lòe từ những chiếc thuyền chài hay những xóm nhỏ dưới chân cầu. Sự mất cân bằng trong phân phối thực phẩm, nơi thừa nơi thiếu, và một dự án được thành lập – Hà Nội Đủ - vào tháng 7 năm 2013 – khi Thùy Dung đang hoàn thành nốt năm tư đại học – mang sứ mệnh lấy lại sự cân bằng thực phẩm, mang đến “mùa no đủ” trong lòng Hà Nội.
Dung không thích kể nhiều về bản thân. Còn về sự nghiệp, Dung chỉ chia sẻ làm trong AIESEC 2 năm, xong rồi từ “member” lên “leader”. Từ đó cho đến công việc hiện tại thì cũng làm bốn năm công ty và Hà Nội Đủ là một dự án riêng của mình.
“Mình càng trải nghiệm nhiều, mình biết mình cần cái gì, mình cần môi trường như thế nào”
Khá ngạc nhiên với danh sách các công ty mình từng làm, từ Vật Giá, Vietnamworks Navigos,... chúng tôi được mình chia sẻ “Thực ra mình là một con người biết mình cần cái gì. Thay đổi nhiều đấy không phải nhiều đâu mà mình đi làm sớm thôi. Năm thứ 3 mình đã bắt đầu đi làm rồi. Nói chung mỗi công ty cũng tầm khoảng 1 năm. Và đôi khi mình càng trải nghiệm nhiều thì mình biết mình cần cái gì, mình cần môi trường như thế nào."
Năm cuối – Khủng hoảng về việc mình sẽ làm gì và Hành động
“Thực ra hồi đó mình cũng khá khủng hoảng về việc mình sẽ làm gì. Dung là một người mê làm việc, luôn có một tiếng gọi bên trong thúc giục mình phải làm một cái gì đấy, nhưng không rõ phải làm cái gì. Dung không muốn bản thân mình ngừng nghỉ, vì mình sợ mình bị ì và bị tụt hậu. Thời điểm đấy cũng là khủng đầu đời. Sau khi làm ở Vật Giá được khoảng gần một năm thì mình bắt đầu cảm thấy mất cảm giác thuộc về nơi đó, và cũng không biết định hướng lúc đấy nên làm cái gì cho đúng.
Hồi đó mình có thấy một cái “workshop” về lãnh đạo bản thân. Đó là ba ngày huấn luyện ở Thái Nguyên. Vì lúc đó mình đang trong thời gian khủng hoảng, cảm thấy khá khó chịu cuộc sống hiện tại, nên muốn một thứ gì đó mới, mình mới quyết định đi ra khỏi Hà Nội và hưởng một chút không khí trong lành. Lên đấy mình gặp được một nhóm người, họ dạy về cách mình kiểm soát bản thân mình như thế nào. Muc đích của việc đó là tìm sự bình an nội tâm, để hướng tới tạo được gì giá trị đó cho xã hội.
Trong thời gian đó, mình đã nảy ra ý tưởng làm về mảng thực phẩm, cũng bởi mình khá đau đáu về sự phân cấp giàu nghèo và chênh lệch xã hội hiện tại. Ban đầu mình định chạy mô hình giống cơm 5.000 - nấu lại cơm sạch và bán rẻ lại cho những người nghèo. Nhưng lúc đấy nhóm chỉ có 5 người, không đủ tiềm lực mà chả ai biết nấu ăn cả. Cuối cùng mới quyết định làm lại thành phân phối thực phẩm, giống mô hình ngân hàng thức ăn trên thế giới.
Hà Nội Đủ được hình thành như vậy, từ một khủng hoảng đầu đời mà có lẽ sinh viên năm cuối nào cũng sẽ phải trải qua. Lựa chọn trốn chạy hay đương đầu vượt qua khủng hoảng đó sẽ thể hiện được bạn là ai trong cuộc đời.
Hà Nội Đủ là một câu chuyện dài
“Thực sự hai tháng ấp ủ rất mệt mỏi. Thành viên bỏ gần hết. Bỏ chỉ còn ba, bốn người thôi . Những người ấy là những người tin vào cái sứ mệnh của mình. Hồi đó mình đi gặp mặt tất cả những người làm về thực phẩm. Cơm 5000 và Ấm, gặp anh Long, đại diện bên Ha Noi Food Rescue. Càng đi gặp nhiều người, càng chạy thì mình càng xác định rõ hơn về mô hình ngân hàng thức ăn chứ không chỉ phát cơm nữa. Bởi vì xây dựng ngân hàng thức ăn thì nó sẽ bền vững hơn.
Từ lúc chạy đến lúc nó có danh tiếng, có tên tuổi, được biết đến, chạy rất nhiều sự kiện khác thì gặp khá nhiều khó khăn. Bố mẹ mình không đồng ý. Bố mẹ mình muốn mình tập trung vào sự nghiệp, lập gia đình. Nhưng mình là người nghe theo bản thân lắm. Trong thâm tâm mình luôn muốn giúp một cái gì đấy, mình không muốn mình được AIESEC dạy như thế, mình được tiếp cận với những người giỏi như thế, mà lại không làm một cái gì lại cho xã hội. Những ngày đó mình thấy mình học được cũng nhiều, kỹ năng quản lý, kỹ năng giải quyết khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tất cả mọi thứ để chạy một tổ chức. Mặc dù rất mệt mỏi, mình còn nhớ những ngày mà buổi sáng đi làm, về đi họp đến gần 12 giờ đêm, về đến nhà còn phải làm báo cáo, nhưng vì động lực thúc đẩy từ nội tại bản thân, mình chọn con đường bước tiếp.
Mệt như vậy nhưng bản thân mình bảo: "Thôi cứ làm đi, mình gắng 1 chút nhưng nhiều người có lợi." Mà vấn đề thực phẩm và người nghèo lại khá nhạy cảm. Bởi vì người nghèo họ thường không muốn nhận thực phẩm. Ở Bắc mình lại hay sĩ diện. Nhưng khi chạy dự án, mình giúp được rồi, mình tạo thói quen cho họ, mình định hướng cho họ những việc họ cần làm, dần dần họ đã hiểu và cũng là lúc dự án được chấp nhận .Với mình, Hà Nội Đủ chính là đứa con tinh thần.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tiền bạc không còn vấn đề quan trọng?
Mọi người bảo mình đang mua việc, những việc mình làm là không cần thiết. Nhưng mà mình thấy nếu không có người như mình cũng không được. Vì nếu bây giờ họ đầy đủ, họ sống cho cá nhân họ. Không làm sao hết, nhưng vấn đề là còn những người khác thì sao. Mình còn giúp được thì cứ giúp, vì mình còn rất trẻ mà. Mình cũng luôn quan niệm là mình còn trẻ, đừng để lúc về già phải hối tiếc về những điều mình chưa làm và phải nói hai từ giá như. mình không bao giờ muốn hối hận về một việc gì hết. Đến thời điểm này mình cùng 35 thành viên còn lại đã cùng nhau chạy được 17 tháng rồi.
"Thực ra mình không nhìn thất bại thành thất bại đâu"
Khi được hỏi về thất bại lớn nhất của mình, Thùy Dung chia sẻ : “Thực ra mình không nhìn thất bại thành thất bại đâu. Bởi vì nó là bài học. Bởi vì khi mình quá tập trung vào cái thất bại ấy thì mình sẽ bị tụt lại phía sau. Mình đã trải qua nhiều sự kiện mà mình cảm thấy đánh mất chính mình, và sau đó nó cho mình bài học đáng nhớ trong đời. Nhưng nó còn phụ thuộc vào cách bạn nhìn vấn đề nữa. Khi nhìn vào một vấn đề mà bạn thấy nó tích cực hay tiêu cực thì nó sẽ thế. Nó có thể bé, có thể lớn nhưng mà cái mình học được là gì? Mình có nhìn được những cái mình nhận được hay không mới là quan trọng."
“Cuộc sống cũng chỉ là những cái mốc, quan trọng là mình vượt qua được hay không thôi”
Mình nghĩ cuộc sống cũng chỉ là những cái mốc, quan trọng là mình vượt qua được hay không thôi. Cũng có lúc mình nghĩ mình đã nghỉ Hà Nội Đủ. Nghỉ bằng cách cho một em quản lý một thời gian một tháng để mình giải quyết xong chuyện gia đình. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Khi mình tin mình làm được một cái gì đấy, có sự quyết tâm, thì tất cả mọi chuyện đều có thể làm được. Nói là bỏ nhưng khó bỏ lắm, khi mình tạo một cái gì đấy thì nó như một đứa con tinh thần không thể bỏ được.
Mình cứ làm cái mà mình thấy vui. Khi các bạn thành viên cảm ơn mình thế này thế kia, các bạn ấy nhận được gì, phát triển cái gì làm mình cảm thấy vui. Dù nó chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi so với những gì mình phải chịu đựng . Nhưng mình thấy được là ít nhất mình đang làm một cái gì cho xã hội, thì mình chỉ không muốn mình phải hối hận.
Cơ duyên đặc biệt với những người nghèo và người khuyết tật
Tất cả những gì mình làm đều liên quan đến những người khuyết tật hoặc người nghèo. Năm hai mình tham câu lạc bộ tình nguyện của trường thì cũng làm sáu tháng ở Vì ngày mai trung tâm bảo trợ người khuyết tật. Xong sau đi trao đổi thực tập sinh bên Malaysia cũng dạy kỹ năng mềm và sống cùng với người khuyết tật. Rồi bây giờ Hà Nội Đủ cũng làm với người nghèo, người khuyết tật cũng là một phần trong đấy. Tất cả như là một sợi dây liên kết đặc biệt vậy.
Chiến dịch “Save food! Save the earth “ và những khoảnh khắc không bao giờ quên
Ngày 31 tháng 5 là ngày thực phẩm thế giới. Thời điểm Hà Nội Đủ chỉ mới có 10 nhà tài trợ cho cơm cho thức ăn và các bạn thành viên hiện tại cố gắng rất nhiều, tuy nhiên, số lượng tài trợ chưa được như mong đợi, mình nảy ra ý tưởng chạy một chiến dịch để giải quyết cho vấn đề lúc đó của Dự án. Mình muốn tăng lên, muốn có công việc cho toàn bộ nhóm. Từ đấy mình chạy chiến dịch tên là “Save food! Save the earth “ vào ngày cuối cùng của tháng 5 – Tháng sinh nhật của Bác Hồ. Mùng 5 tháng 5 mình mới triển khai. Thời điểm đấy ngày nào cũng đi họp. Trong ba tuần, bọn mình phải tuyển thêm tình nguyện viên, đặt chỉ tiêu cho nhóm đi đối ngoại là 30 nhà hàng đồng ý trong ba tuần. Nhóm phát triển phải đi tìm 200 hộ nghèo. Nhóm truyền thông phải tăng lượt like từ 2.000 lên 4.000 likes.
Ngày 31 chạy mà đêm 30, 10 giờ tối nhà hàng thứ 30 mới đồng ý. Lúc đó mọi người đau tim khủng khiếp luôn. Hồi đó là mình thể hiện sự quyết tâm kinh khủng. Chiến dịch đấy là chiến dịch căng thẳng nhất về thời gian mình từng làm, và cũng là thành quả lớn nhất của Hà Nội Đủ đến nay. Rồi 10:30 tối 31/05 các bạn vẫn đi phát cơm, bị lạc ở khu Long Biên. Hộ nghèo ở đó hơi xa nhau. Mười một giờ tất cả mọi người về thở phào, cùng nhau ăn ở khu sinh viên chỗ công đoàn, mọi người cùng khóc lóc, cảm ơn nhau, mình xúc động lắm khi mà họ chỉ là những tình nguyện viên, những sinh viên năm hai năm ba mà họ ở lại với mình đến tận bây giờ. mình càng tin hơn vào những việc mình làm, sự đúng đắn của nó và ảnh hưởng tích cực của nó lên xã hội.
“Bạn chỉ thành công khi bạn giúp được càng nhiều người càng tốt “
Mình định nghĩa thành công là trong 5 năm tới mình phải là người có được kĩ năng tốt nhất, kĩ năng về con người, kĩ năng xử lý công việc, thời gian, tất cả mọi thứ. Định nghĩa thứ hai của mình là bạn chỉ thành công là khi bạn giúp được càng nhiều người càng tốt. Thực ra định nghĩa của bạn về thành công như thế nào thì nó ảnh hưởng đến việc đấy. Có người định nghĩa thành công là nhiều tiền, nhưng mình lại không nghĩ thành công của mình là nhiều tiền. Mình định nghĩa thành công của mình là giúp được nhiều người và người ở đây không hẳn là người nghèo đâu mà tất cả những người mình có thể giúp, các bạn trẻ, đồng nghiệp,... mình cũng quan niệm là mình cứ cho đi trước, mình không muốn nhận lại nhiều lắm. Còn nhận lại được những gì cũng không quá thực sự quan trọng.
Thành công bền vững hay không chỉ khi bạn có thể tự xoay sở cho cuộc sống của mình, giúp được gia đình mình, giúp xã hội. Mình định nghĩa mình là ai, mình có những giá trị nào. Với mình là sự chân thành trong cuộc sống đóng góp rất nhiều vào thành công. Quan niệm thành công hay không thì do mình. Sự thành công đi kèm với là phải có định hướng, kĩ năng và quyết tâm là yếu tố quan trọng. Hà Nội Đủ chính là bằng chứng rõ ràng nhất. Nếu không có quyết tâm thì giờ nó đã không chạy.
“ You are what you do, not what you think"
Những điều mình muốn nói với các bạn trẻ là: “Các bạn còn trẻ, các bạn cứ làm đi. Khi quyết tâm và lòng tin của bạn đủ, thì tự khắc sẽ có con đường để các bạn đi. Thêm một điều nữa, hãy luôn là chính mình và nghe theo những gì bản thân mình mách bảo, có thể điều đó không dễ dàng nhưng các bạn sinh ra trên đời này là để sống, để khám phá, để định danh được bản thân mình là ai nhưng chắc chắn về già bạn sẽ có rất nhiều chuyện để kể cho con cháu đấy”.
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét