“Gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm liên quan tới trẻ em như trẻ bị tủ đè trong nhà trường, té cầu thang giữa giờ chơi, lọt hố ga khi trời mưa, đuối nước trong hồ nước sinh hoạt gia đình, bị bỏng do té vào nồi cháo đang sôi… Nếu người lớn có được những kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn ở trẻ em thì tôi nghĩ những tai nạn thương tâm kia sẽ giảm đi nhiều” - ThSNguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng, chống thảm họa TP.HCM (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM), chia sẻ.
Xây hồ nước thì phải nghĩ làm nắp đậy
. Thưa ông, sau hàng loạt các vụ tai nạn trẻ em xảy ra, các cơ quan chức năng thường đưa ra nhận định rằng đó là những tai nạn đáng tiếc, rủi ro không mong muốn, không lường trước được do trẻ hiếu động... Theo ông, giải thích như vậy có thỏa đáng?
Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng, chống thảm họa TP.HCM (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM) |
+ ThS Nguyễn Minh Nhựt: Những giải thích này thoạt nghe thì có vẻ hợp lý nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy chưa thật ổn. Tôi cho rằng để xảy ra những tai nạn trên có phần trách nhiệm của người lớn. Chúng ta đều biết trẻ em thường nghịch phá, hiếu động, bắt chước và hay làm những điều muốn người khác chú ý nên dễ bị tai nạn. Những tai nạn trẻ em xảy ra gần đây cho thấy rõ điều đó. Như vậy tai nạn xảy ra ở trẻ em có một phần lỗi của người lớn do thiếu kiến thức phòng tránh.
. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về những kiến thức phòng tránh tai nạn trong những tình huống này?
+ Nếu có kiến thức phòng ngừa tai nạn, khi xây hồ chứa nước sử dụng thì phải nghĩ ngay đến việc làm nắp đậy để tránh trẻ té vào. Xây cầu thang nơi công cộng, trường học phải chú ý nguy cơ trẻ có thể tuột từ trên xuống. Khi xây dựng đừng để khoảng không giữa cầu thang từng tầng quá rộng vì trẻ có thể lọt từ trên xuống. Nếu khoảng không quá rộng phải có lưới bảo vệ…
. Người lớn có thể tìm kiếm, học hỏi những kiến thức này ở đâu?
+ Mọi vật chung quanh ít nhiều đều có nguy cơ gây tai nạn cho trẻ. Vì vậy người lớn càng cẩn thận thì càng hạn chế tai nạn cho trẻ. Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng, chống thảm họa TP.HCM đều đặn có những buổi tập huấn trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn cho các học viên. Mọi người có nhu cầu đều có thể tham dự.
Hội Chữ thập đỏ TP.HCM thường tổ chức cho học sinh thực tập sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: CTV
85% trẻ tử vong trước khi đến bệnh viện
. Qua các vụ tai nạn cũng cho thấy tỉ lệ tử vong ở trẻ em là khá cao. Theo ông thì nguyên nhân do đâu?
+ Theo tôi, một lý do quan trọng khiến tỉ lệ tử vong ở trẻ cao là do đa số người lớn không được học qua các lớp đào tạo cơ bản về kiến thức và kỹ năng thực hành sơ cấp cứu. Vì vậy khi xảy ra tai nạn ở trẻ, đa phần người lớn xử lý theo cảm tính và kinh nghiệm dân gian. Điều này khiến trẻ mặc dù bị tai nạn nhỏ nhưng tỉ lệ tử vong còn khá cao.
. Nhiều người chưa thấy hết tầm quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu. Ông có thể nói rõ hơn?
+ Sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, đặc biệt trong những trường hợp trẻ bị các loại tai nạn thường gặp hằng ngày. Có nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn không quá nghiêm trọng nhưng do sơ cấp cứu không đúng, không kịp thời khiến trẻ rơi vào hoàn cảnh thương tâm. Có đến 85% trẻ tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Con số trên có thể ngăn chặn nhờ vào những động tác sơ cấp cứu ban đầu đúng cách, kịp thời khi trẻ bị tai nạn.
. Căn cứ vào đâu ông đưa ra nhận định này?
+ Nhận định của tôi căn cứ vào những phân tích cụ thể từ thực tế: Bị ngạt đường hô hấp do đuối nước, không quá bốn phút sau trẻ có thể tử vong. Trong khi xe cấp cứu phải mất hơn bốn phút mới đến được nơi trẻ bị tai nạn. Vì vậy sơ cấp cứu tại chỗ rất quan trọng. Làm tốt trong vòng bốn phút có thể cứu sống trẻ.
Trường hợp trẻ té, tai nạn dẫn đến chấn thương: Nếu để xảy ra sai sót trong thao tác sơ cấp cứu hoặc kéo dài thời gian có nguy cơ tăng tình trạng thương tật của trẻ, thậm chí gây liệt toàn thân hoặc tử vong. Chưa hết, tâm lý chung của nhiều người là sợ máu. Vì vậy khi thấy trẻ chảy nhiều máu là đưa thẳng vào bệnh viện, không dám sơ cứu cầm máu. Nhiều trẻ chỉ bị tai nạn ở mức độ trung bình nhưng do đi đường xa, mất nhiều máu nên tử vong trước khi nhập viện. Hoặc không ít trường hợp trẻ gãy xương đùi nhưng không được cố định xương, chở tới bệnh viện bằng xe máy khiến trẻ bị choáng và dễ tử vong…
. Xin cám ơn ông.
Rơi xuống giếng sâu 12 m, bé trai bị cây đâm xuyên đầu (PL)- Ngày 25-12, TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhi Cao Thanh Tú (hai tuổi, Bù Gia Mập, Bình Phước) bị té xuống giếng sâu 12 m và bị cây xuyên qua đầu. Hiện bệnh nhi tỉnh, tiếp xúc được nhưng chỉ uống nước, uống sữa. Theo lời người nhà bệnh nhi, người hàng xóm đang đào giếng lở dở và có phủ bạt lên trên. Chiều 24-12, trong lúc chơi, bé Tú đã rơi xuống giếng. Đang nấu cơm, thấy con bị rơi, mẹ bé đã kêu la và đu dây xuống cứu con. Nước giếng lúc đó là hơn 1 m nên bé Tú vừa bị cây đâm xuyên đầu vừa bị ngạt nước. Người mẹ đã sơ cứu bằng cách hà hơi, thổi ngạt cho con. Hàng xóm chạy đến đã kéo hai mẹ con bé lên và đưa đi bệnh viện địa phương cấp cứu. Bé Tú được lấy cây cắm xuyên đầu ra, làm sạch vết thương và chuyển lên BV Nhi đồng 2 trong đêm khuya. Theo BS Định, biết kết quả chụp CT cho thấy cái cây đâm từ dưới mang tai xuyên qua thái dương gây thủng hộp sọ, rất may chưa gây tổn thương não. Ngay trong đêm 24-12, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã phẫu thuật thám sát đầu, làm sạch, khâu vết rách màng cứng (sọ) cho bệnh nhi. Các bác sĩ cho biết đối với bệnh nhi này thì vấn đề lo lắng nhất vẫn là nguy cơ nhiễm trùng gây viêm thần kinh trung ương, gây di chứng não. Vài kinh nghiệm sơ cấp cứu tai nạn cho trẻ + Trẻ gãy xương: Giữ nguyên tình trạng ổ gãy. Đảm bảo cố định thật chắc khớp trên và khớp dưới ổ gãy. Trường hợp gãy xương kèm theo tổn thương mạch máu thì sơ cứu chảy máu trước, cố định xương gãy sau. Trường hợp gãy xương hở thì biến hở thành kín rồi cố định như gãy xương kín. + Trẻ bị dị vật đường thở: Áp dụng phương pháp vỗ lưng và ép bụng. Phương pháp vỗ lưng: Để trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, một tay đỡ ngực, một tay vỗ tối đa năm lần vào giữa hai xương bả vai. Sau đó kiểm tra dị vật, nếu dị vật chưa ra thì dùng phương pháp ép bụng. Phương pháp ép bụng: Để trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há. Người sơ cứu quỳ sau trẻ, vòng hai tay trước bụng trẻ. Một tay nắm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi xương ức, tay kia bọc ra ngoài bàn tay trước. Ép bụng đột ngột tối đa năm lần từ trước ra sau, lên trên. Nếu dị vật chưa ra, làm xen kẽ hai phương pháp vỗ lưng và ép bụng cho đến khi dị vật bật ra. + Trẻ chảy máu nhiều (không có dị vật): Dùng vải sạch hoặc gạc nhiều lớp ép chặt vào miệng vết thương. Sau đó dùng băng cuộn băng ép lại. +Trẻ chảy máu nhiều (có dị vật): Dùng vải sạch hoặc gạc nhiều lớp ép chặt vào hai mép vết thương. Sau đó dùng băng cuộn băng ép lại, cố định chắc chắn quanh dị vật, không để dị vật lay động. Các tai nạn thường gặp ở trẻ bao gồm dị vật đường thở, điện giật, đuối nước, bỏng, bong gân, căng cơ, trật khớp, chảy máu nhiều, gãy xương. ThS NGUYỄN MINH NHỰT, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng, chống thảm họa TP.HCM |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét