Hồi cuối tháng Bảy, đúng vào lúc bác sĩ Kent Brantly tưởng chừng như không thể chống lại được tử thần Ebola, phép màu đã xảy ra với vị bác sĩ bị nhiễm Ebola khi đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo ở châu Phi này.
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm Ebola khi chăm sóc cho một bệnh nhân Liberia
Phép màu đó không đến từ Zmapp, loại thuốc thử nghiệm mà Brantly đã được tiêm nhưng không có mấy kết quả khả quan, mà nó đến từ một phương pháp điều trị tưởng chừng như cổ lỗ sĩ, đó chính là truyền máu. Brantly đã được truyền máu của một cậu bé Liberia 14 tuổi, người đã thoát khỏi tử thần Ebola nhờ sự chăm sóc của bác sĩ Brantly.
Phép màu đó đã giúp bác sĩ Brantly hồi phục một cách thần kỳ, và giờ đây đến lượt Brantly truyền lại phép màu đó cho Nina Phạm, nữ y tá gốc Việt đã nhiễm Ebola trong khi chăm sóc cho một bệnh nhân người Liberia.
Cô gái 26 tuổi này đã được truyền máu của Brantly tại bệnh viện Dallas, và đây là trường hợp nhiễm Ebola thứ ba ở Mỹ được nhận máu của vị bác sĩ này.
Nina Phạm đã được truyền máu của bác sĩ Brantly (trái) tại bệnh viện Dallas
Phương pháp truyền máu của người sống sót đã có từ lâu, nhưng các chuyên gia y tế đều nhất trí rằng đây là một phương pháp đầy hứa hẹn, nếu không muốn nói là tốt nhất hiện nay để chống lại tử thần Ebola.
Phương pháp được gọi là “huyết thanh của người hồi phục” này được hy vọng là phép màu để có thể cứu lấy mạng sống của Nina Phạm, bởi các bác sĩ đã có kinh nghiệm hàng chục năm thực hiện phương pháp này đối với nhiều căn bệnh khác nhau.
Kỹ thuật truyền máu này lần đầu tiên được sử dụng để điều trị cho một nhà nghiên cứu Anh bị vô tình bị nhiễm virus trong khi đang lấy máu của một con lợn bị Ebola, và nhà nghiên cứu này đã sống sót.
Tuy nhiên phương pháp này không hẳn là không tiềm ẩn rủi ro. Một trong những rủi ro đó là nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh khác qua đường máu, đặc biệt là HIV và viêm gan C. Ngoài ra, đến nay chưa ai dám chắc chắn về hiệu quả thực sự của phương pháp truyền máu.
Truyền máu được coi là "phép màu" để có thể cứu các bệnh nhân nhiễm Ebola
Mặc dù vậy, vào năm 1999, Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Mỹ đã xuất bản bài báo phân tích về sự thành công của phương pháp truyền máu đối với nhiều bệnh nhân nhiễm Ebola trong đợt dịch bùng phát ở Congo năm 1996.
Theo nghiên cứu này, chỉ có 1 trên 8 bệnh nhân (12,5%) được truyền máu qua đời vì Ebola, mặc dù tất cả đều đang trong giai đoạn suy nhược nghiêm trọng, thậm chí có 2 người đã chuyển sang giai đoạn hôn mê. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ tử vong 80% của các bệnh nhân Ebola không được truyền máu.
Một trong những bệnh nhân được mô tả trong nghiên cứu này có nhiều đặc điểm rất giống với Nina Phạm. Đó là một nữ y tá người Ý 27 tuổi, bị nhiễm Ebola khi vô tình chạm găng tay nhiễm bẩn vào mắt.
Các nhân viên y tế khử trùng xung quanh căn nhà của Nina Phạm
Nghiên cứu cho hay, sau đó nữ y tá này đã bị sốt và xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn rõ ràng và không thể đứng hay ngồi được. Hai ngày sau khi được truyền 400 cc máu của người sống sót, cô đã bình phục, và được về nhà 21 ngày sau khi nhập viện.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể của người sống sót đã sản sinh ra một loại kháng thể có thể tiêu diệt được virus Ebola, và kháng thể này vẫn còn tồn tại trong máu họ sau khi khỏi bệnh, và những kháng thể này được coi là “quý như vàng” để có thể điều trị cho các bệnh nhân khác.
Trong khi các bác sĩ vẫn đang miệt mài tìm ra cách thức hiệu quả nhất để điều trị bệnh Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng máu của người sống sót là phương thuốc thần kỳ nhất hiện nay. Và mọi người đều hy vọng rằng phương thuốc thần kỳ đó có thể cứu được tính mạng của nữ y tá Nina Phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét