Từ cậu bé sống chung với rác, Justus Uwayesu đã trở thành sinh viên của trường Đại học Harvard .
Lấy bãi rác làm chốn nương thân
Câu chuyện về cậu bé hiếu học Justus Uwayesu vừa được đăng tải trên New York Times đang thu hút được sự chú ý của độc giả.
Justus Uwayesu sinh ra ở miền Đông Rwanda, Uwayesu. Năm lên 3, bố mẹ của Justus Uwayesu trở thành nạn nhân của một cuộc thảm sát kinh hoàng kéo dài trong 100 ngày. Justus Uwayesu được Tổ chức Hội Chữ thập đỏ Thế giới cứu sống và chăm sóc một thời gian. Tuy nhiên, do số trẻ mồ côi quá đông nên một thời gian sau, tổ chức này đành phải trả Justus Uwayesu về làng.
Năm Justus Uwayesu lên 8, cậu bé đã cùng anh trai tới thủ đô Rwanda để mưu sinh và hi vọng có người giúp đỡ. Thế nhưng, cả hai đều không tìm được bất cứ thứ gì ngoài những thứ nhặt ở bãi rác. Cũng từ đó, Justus Uwayesu và nhiều đứa trẻ khác đã xem nơi bẩn thỉu này làm chốn nương thân và như quê hương thứ hai.
Hàng ngày, Justus Uwayesu ngủ cùng hai đứa trẻ khác trong một chiếc xe hơi bị hỏng, cửa số bị vỡ, sàn nhà đầy giấy bìa. Thức ăn của những đứa trẻ này, trong đó có Justus Uwayesu cũng chỉ là những đồ ăn thừa mà người ta bỏ đi.
“Chúng tôi đều không tắm bởi không có nước. Điều duy nhất có thể làm là cố gắng kiếm một cái gì đó để giữ ấm vào ban đêm”, Justus Uwayesu nhớ lại.
Để kiếm thêm miếng ăn, Justus Uwayesu đã tìm cách theo dõi những chiếc xe tải chở bánh để ăn trộm một ít miếng nhỏ. Justus Uwayesu còn sẵn sàng chia sẻ với những đứa trẻ khác mỗi khi lấy được một vài miếng bánh dù là rất ít ỏi. Những ngày xe tải không đi qua là những ngày Justus Uwayesu sống trong đói lả bởi thức ăn ở bãi rác cũng đang khan hiếm do quá đông đứa trẻ sống ở đây.
Một lần, Justus Uwayesu bị ngã từ chiếc xe tải đang di chuyển khiến chân cậu bé phải đi khập khiểng. Có lần, Justus Uwayesu tưởng như đã chết khi một xe rác đổ ập lên đầu.
Lên 9 tuổi, Justus Uwayesu trải qua một đêm kinh hoàng khi một con hổ tới đây tìm kiếm thức ăn. Thoát chết, Justus Uwayesu đã nhìn thấy một thế giới khác ở bên ngoài đường phố.
“Vào buổi trưa, những đứa trẻ mặc đồng phục đi học về và đi qua đường phố. Chúng gọi tôi là con rơi”, Justus Uwayesu ngậm ngùi nhớ lại.
“Quãng thời gian đó thực sự là đen tối bởi tôi không thể nhìn thấy tương lai phía trước của mình. Tôi không thể biết được cuộc sống của mình rồi sẽ ra sao, có thể bước ra khỏi cảnh này hay không nữa”, Justus Uwayesu chia sẻ thêm.
Justus Uwayesu (bên trái, ngoài cùng) vinh dự trở thành 1 trong 3 sinh viên Rwanda được nhận học bổng của trường Đại học danh tiếng Harvard.
Tài năng vươn lên từ chốn vô vọng
Năm 2001, cuộc gặp gỡ với bà Clare Effiong, một nhà hoạt động từ thiện Mỹ được xem là cơ duyên định mệnh đối với Justus Uwayesu. Sau khi phân phát quần áo cho những đứa trẻ sống ở bãi rác, bà đã quyết định đưa lũ trẻ về một nơi an toàn. Tuy nhiên, Justus Uwayesu lại từ chối điều này mà thay bằng mong muốn được tới trường.
“Tôi đưa cậu bé tới nơi ở, tắm sạch sẽ, thay quần áo, băng bó những vết thương trên cơ thể sau đó gửi cậu bé tới trường tiểu học”, bà Clare cho biết.
Trong năm học đầu tiên, Justus Uwayesu đứng đầu lớp về điểm học tập. Đến năm học cấp ba, Justus Uwayesu giành điểm A và được tuyển vào ngành khoa học của trường. Không những vậy, Justus Uwayesu còn biết đến bốn ngoại ngữ là tiếng Anh, Pháp, Swahili và Lingala.
Trong suốt thời gian học tập, Justus Uwayesu còn dành thời gian hoạt động từ thiện cùng bà Clare. Justus Uwayesu còn mở trường học dạy nấu ăn cho bé gái và xây dựng một nơi ở cho những đứa trẻ mồ côi.
Justus Uwayesu thừa nhận: “Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhờ cô ấy (Clare Effiong)”.
Từ nhỏ, Justus Uwayesu đã mơ ước được đến trường.
Hoàn thành khóa học bậc phổ thông, Justus Uwayesu đã giành được học bổng dành nhằm giúp đỡ những học sinh tài năng có nguyện vọng học đại học – học bổng Bridge2Rwanda. Cũng từ đó, Justus Uwayesu trở thành một trong ba sinh viên của Rwanda được vào học trường Đại học danh tiếng Harvard với học bổng toàn phần.
Justus Uwayesu trở thành biểu tượng của những tài năng bị chôn vùi ở nơi vô vọng nhất, New York Times viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét