Không có việc làm sau khi tốt nghiệp là điều khiến nhiều sinh viên lo lắng vì thế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn đã nỗ lực học tập, đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội để hoàn thiện bản thân,... đảm bảo cho mình một “đầu ra” tốt. Tuy nhiên, cũng không ít bạn dù lo lắng cho tương lai, sợ sệt đến mức ám ảnh nhưng vẫn “bình chân như vại”, nhốt mình trong nỗi sợ hãi mà không chủ động thoát ra.
Tôi có một cô em họ là sinh viên năm cuối, cô ấy rất muốn có được một công việc ổn định sau khi ra trường và thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng của các công ty lớn. Nhưng đến khi một trong những công ty đó đăng tuyển cộng tác viên, cô ấy lại chần chừ mãi không dám gửi hồ sơ đăng ký. Hỏi ra mới biết cô ấy sợ mình không đạt yêu cầu, sợ bị loại từ vòng đầu vì nghe đồn công ty ấy chỉ tuyển những người cực kì giỏi hoặc “con ông, cháu cha”.
Ngẫm ra mới thấy đó chỉ là cái cớ cho sự thiếu tự tin của cô em họ tôi. Buồn là những người như cô ấy khá nhiều, họ có mong muốn, có mục tiêu nhưng lại sợ thất bại, không muốn đánh cuộc, đối với họ “không hy vọng thì sẽ không bao giờ thất vọng”.
Cách đây không lâu, tôi mới trò chuyện với một anh bạn, tốt nghiệp trường xây dựng được 3 năm, tại quán trà đá của anh ấy. Tốt nghiệp loại khá nhưng anh bạn tôi không làm tại các công ty xây dựng mà lại mở quán trà đá, lý do rất đơn giản, lương kĩ sư không cao, công việc lại cực khổ. Anh ấy bỏ thời gian 5 năm để học về xây dựng, nỗ lực để có kết quả tốt nhưng lại chọn nghề nhàn hạ, thoải mái.
Một anh bạn khác đang làm giám đốc kinh doanh của một công ty truyền thông phàn nàn với tôi vì nhân viên liên tục bỏ việc. Nghề nhân viên kinh doanh đem lại thu nhập cao khiến nhiều người mơ ước, thu hút không ít các bạn trẻ vừa tốt nghiệp. Nhưng rất ít người tiếp tục theo đuổi công việc sau 2-3 tháng thử việc do áp lực về doanh số, cũng như không gây dựng đủ mối quan hệ cần thiết để phục vụ công việc. Họ bỏ việc, tìm một công việc dễ dàng hơn hoặc quay lại trường để lấy bằng cao học. Sinh viên ra trường không xin được việc, hoặc đi làm vài tháng, bỏ việc để học lên cao khá nhiều. Như vậy, việc học lên cao chỉ là cách họ “chạy trốn” thực tại vì không chịu nổi sự thất bại.
Ai cũng sợ thất bại nhưng sự thật là càng sợ, sự thất bại càng đeo đuổi ta. Có nhiều người luôn trốn tránh sự thất bại nhưng rốt cuộc thì đó chính là thất bại lớn nhất của họ. Khi đối mặt với khó khăn, người khác bỏ cuộc, còn bạn tiếp tục cố gắng, điều đó làm bạn khác biệt và tạo nên thành công. Tất cả những người giàu có hiện nay chẳng có ai đi trên con đường bằng phẳng, rải đầy hoa hồng cả.
Quay trở lại với câu chuyện của cô em họ tôi, trong kỳ tuyển dụng, công ty đó đã nhận 3 sinh viên học dưới cô ấy một khóa làm cộng tác viên. Nếu bạn luôn tìm kiếm sự tuyệt đối, đợi đến khi “chắc ăn” mới làm thì cơ hội sẽ vụt mất, chỉ còn lại sự thất bại. Thành công không bao giờ thuộc về những người “chạy trốn”. Bạn không mua vé số thì làm sao trúng số được, dù phần trăm trúng thưởng là vô cùng ít. Anh bạn tôi chưa đi làm đã muốn giàu có và nhàn hạ, 10 năm nữa khi các bạn đồng trang lứa chịu đánh đổi có được thành tựu liệu anh ấy có tự hỏi: “mình đang ở đâu”.
Người trẻ năng động, giỏi giang và được quyền thất bại nhưng dường như các bạn sinh viên hiện nay lại thích bắt đầu từ những thứ dễ dàng, từ chối thử thách, e ngại áp lực. Bạn đừng quên rằng, đối diện với khó khăn bạn mới được mài rũa và trở nên cứng cáp hơn. Bạn là sinh viên, là một người trẻ, bạn chưa có gì đáng kể vì thế đừng sợ mất mát, hãy nhập cuộc, có thể bạn sẽ phải bỏ nhiều thời gian, công sức để rồi trắng tay nhưng thứ bạn được chính là kinh nghiệm. Đó là thứ quý giá nhất mà tuổi trẻ mang lại cho bạn. Vòng nguyệt quế chỉ trao cho người mạnh nhất, vì vậy muốn thành công bạn đừng “chạy trốn”, đừng sợ những gì không biết, đừng lo thất bại.
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét