Vừa gác máy sau cuộc gọi để xác nhận lại đơn hàng khách đặt trên website, chuông điện thoại bàn của cửa hàng đặc sản miền Tây (quận Bình Thạnh, TP HCM) tiếp tục reo vang. Chị Trang, quản lý cửa hàng, nghe điện thoại xong quay qua nói với tôi: “Khách dặn để dành 2 trái dừa sáp, trong chiều nay sẽ ghé lấy. Sắp Tết nên đơn hàng bắt đầu tăng, một số khách đã đặt mua để làm quà biếu”…
Ngồi nhà mua đặc sản bốn phương
Cửa hàng đặc sản miền Tây với trang được nhiều người tiêu dùng TP HCM biết đến. Cửa hàng mở song song với trang web, đa phần khách quen đều biết và giao dịch chủ yếu qua web hoặc điện thoại. Theo chị Trang, nơi đây bán khoảng 70 mặt hàng đặc sản miền Tây, tập trung 4 nhóm: khô, mắm, rượu và bánh mứt. Tết thì có thêm trái cây (bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng), bánh tét và một số loại mứt lạ.
“Vì bán hàng trực tuyến (online) tin tưởng nhau là chính nên với những “thượng đế” mới, sau khi xem hàng trên website sẽ điện thoại hỏi thông tin, tôi thường mời đến tận nơi trực tiếp giới thiệu, tư vấn sản phẩm để khách yên tâm hơn. Những lần sau chỉ cần gọi điện thoại, chúng tôi sẽ giao hàng tận nơi” - chị Trang nói.
Khách được nhân viên cửa hàng đặc sản miền Tây tư vấn trước khi mua hàng Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện có rất nhiều trang web chuyên bán đặc sản trực tuyến. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “mua đặc sản online” hay đặc sản của bất kỳ tỉnh, thành nào sẽ có hàng trăm kết quả với đầy đủ thông tin về cửa hàng, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng, thanh toán… Đây là những cửa hàng kinh doanh đặc sản có kết hợp bán hàng trực tuyến.
Ngoài ra, còn hàng trăm trang web, trang mạng xã hội rao bán đặc sản các miền, các nước với đủ chủng loại, giá cả. Hình ảnh sản phẩm, quy cách đóng gói, giá cả… được thể hiện công khai cho khách tiện tham khảo. Một số trang web còn cập nhật thêm các thông tin khác liên quan đến sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản để tăng thêm độ tin cậy cho khách.
Xem kỹ trước khi mua
Chị Ái Vân, chủ một trang Facebook bán đặc sản qua mạng, cho biết thông thường, kinh doanh qua mạng và đặc biệt là qua Facebook phần lớn bán cho người quen nên tâm lý người bán không muốn bán một lần, một mùa mà là làm ăn lâu dài, do đó luôn cố gắng bảo đảm chất lượng.
Hàng tiêu dùng trực tuyến dễ bị trà trộn hàng kém chất lượng nhưng với các món ăn vùng miền, khả năng mua nhầm hàng dỏm ít hơn vì khi nhận hàng, người mua xem kỹ rồi mới lấy. Tuy nhiên, vì phần lớn các đặc sản rao bán trên mạng được làm thủ công do người bán trực tiếp làm hoặc đặt mua từ người quen, các cơ sở sản xuất địa phương nên không có giấy tờ chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không đồng nhất hoặc hàng để lâu bị giảm chất lượng, mùi vị.
Để hạn chế rủi ro, người có nhu cầu nên đặt mua tại những trang web có địa chỉ giao dịch cụ thể và tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, xem kỹ bao bì đóng gói, hạn sử dụng… trước khi nhận hàng.
Là người mê mua sắm và rất chịu khó săn các món hàng “độc”, lạ trên mạng, hầu như ngày nào chị Huỳnh Ngọc Thảo - nhân viên văn phòng một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở quận 1, TP HCM - đều “lượn” các trang Facebook, website bán hàng.
Rút kinh nghiệm từ lần mua nhầm đặc sản dỏm trên mạng dịp Tết 2013, chị Thảo cho biết với những món hàng rao bán trên mạng, chị luôn chịu khó tìm đến tận nơi bán để trực tiếp xem trước khi mua. Với những nơi đã mua qua vài lần thì có thể tin tưởng đặt hàng trực tuyến hoặc qua điện thoại nhưng chắc chắn phải thỏa thuận kỹ về điều kiện đổi, trả và thanh toán rồi mới mua.
Không đụng hàng Quản lý một trang web bán đặc sản qua mạng cho biết thông thường các trang web, cửa hàng bán hàng qua mạng sẽ chọn những sản phẩm khác biệt với các mặt hàng bán ở siêu thị hoặc không cùng nhà sản xuất. Trong trường hợp cùng một loại sản phẩm của cùng nhà cung cấp (ví dụ kẹo dừa Bến Tre, bánh pía Sóc Trăng, một số loại rượu trái cây...) đã có mặt tại siêu thị thì giá bán trực tuyến luôn rẻ hơn 5%-10%. Hiện các trang web bán hàng đang nở rộ, khách có rất nhiều lựa chọn, so sánh giá nên không lo mua hớ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét